Con số cụ thể hơn được ông Đào Thanh Anh, Chi hội phó đưa ra cho thấy, hiện các nhà cung cấp đã bán được khoảng 180 ngàn hộp đen ô tô cho các doanh nghiệp vận tải, chủ xe để lắp trên những loại xe bắt buộc phải lắp theo quy định. Cộng thêm một lượng lên đến cả trăm ngàn hộp đen ô tô khác cũng đã được các chủ xe tự mua về gắn để quản lý phương tiện cũng như hoạt động vận chuyển.
Song thị trường cung cấp thiết bị đặc chủng này vẫn kiểu vàng thau lẫn lộn. Nhất là trước hiện tượng có những nhà cung cấp bán xong hộp đen ô tô cho khách hàng là đóng cửa, chẳng đếm xỉa gì đến chuyện bảo trì, lưu trữ dữ liệu, duy trì hoạt động của hộp đen sau đó.
Lực lượng chức năng kiểm tra hộp đen ô tô gắn trên xe.
Chúng ta đã có những nhà sản xuất tham gia vào lĩnh vực này từ thời kỳ đầu và đều tự sản xuất hộp đen ô tô trong nước; nội địa từ khâu thiết kế, lập trình, nhập linh kiện về để thuê doanh nghiệp trong nước lắp ráp, gia công bo mạch, sau đó cung cấp ra thị trường kèm theo dịch vụ sau bán hàng.
Ông Tạ Công Thuận cho biết, không chỉ đơn thuần là bán sản phẩm, các doanh nghiệp cung cấp hộp đen ô tô còn phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ thuê bao, lưu trữ dữ liệu hành trình của xe ô tô để phục vụ công tác quản lý của chính doanh nghiệp vận tải và việc kiểm của soát cơ quan có thẩm quyền.
Hộp đen ô tô hiện chỉ còn giá 2-3 triệu đồng/chiếc. Mà đã là sản phẩm điện tử lắp đặt trên xe chạy đường dài, sẽ khó có thể nói không bị trục trặc thiết bị hoặc bị lỗi phần mềm. Nên khi chủ xe, doanh nghiệp vận tải thông báo thiết bị bị lỗi, bị trục trặc, thì dù xe đang ở đâu, đơn vị cung cấp hộp đen ô tô cũng lập tức phải cắt cử nhân viên đến để sửa chữa, thay thế. Do đó để tránh tình trạng doanh nghiệp đua nhau tham gia vào việc bán hộp đen ô tô xong là trốn tránh trách nhiệm bảo trì, duy trì hoạt động của hộp đen gây thiệt hại cho chủ xe, doanh nghiệp vận tải, Chi hội Giám sát hành trình cũng đã kiến nghị với Bộ GTVT siết chặt việc cấp phép mới cho sản xuất sản phẩm hộp đen ô tô.
Trong số các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp hộp đen ô tô hiện đang tồn tại, có hơn chục doanh nghiệp đã có số lượng thiết bị cung cấp và lượng thuê bao lớn. Đồng nghĩa với việc các đơn vị này đã xây dựng được hệ thống lưu trữ dữ liệu, mạng lưới dịch vụ hỗ trợ chủ xe, doanh nghiệp vận tải trên cả nước nên chắc chắn đã có chiến lược kinh doanh lâu dài. Còn lại, một số đơn vị khác cũng tham gia cung cấp, nhưng nếu số lượng hộp đen ô tô bán ra không được nhiều, sẽ khó có thể khẳng định họ có thể cung cấp dịch vụ thuê bao, lưu trữ dữ liệu hành trình sau bán hàng hay không?
Ông Thuận còn cho rằng, nếu có tình trạng cung cấp hộp đen nhập nguyên bo mạch từ nước ngoài về rồi đóng hộp đem bán như dư luận nghi ngờ lại càng nguy hiểm hơn. Bởi hàng nhập từ nước ngoài về bị trục trặc, yêu cầu nhà sản xuất bảo hành là việc không đơn giản. Hộp đen ô tô cũng là loại sản phẩm có tính chất riêng, ai thiết kế bo mạch và lập trình phần mềm, nơi đó mới có thể nắm rõ cách khắc phục sự cố nên cũng khó có chuyện nhà sản xuất này hỗ trợ nhà cung cấp kia trong việc bảo hành sau khi bán ra thị trường. Nên về lâu dài, những đơn vị nhỏ, không có tiềm lực sẽ khó trụ lại sau bán hàng hoặc bán xong sẽ đóng cửa, dừng hoạt động như đã từng xảy ra.
Trong số các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động sản xuất, cung cấp hộp đen hiện nay, cũng lại chỉ có 18 thành viên tham gia Chi hội Giám sát hành trình, còn lại vẫn đứng riêng lẻ bên ngoài. Về vấn đề này, ông Đào Thanh Anh chia sẻ, các thành viên trong Chi hội còn có thể giám sát lẫn nhau về chất lượng hộp đen cung cấp ra thị trường. Ngoài ra còn chịu sự giám sát của Hiệp hội Vận tải, nhưng nếu ở ngoài thì Chi hội đành bó tay và cũng không thể ép họ phải tham gia.
Thiết bị hộp đen ô tô đạt chuẩn
Tích hợp phần mềm tính vào hộp đen ô tô?
Đã có 7 tháng để chuẩn bị, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, với khoảng thời gian này các doanh nghiệp kinh doanh taxi hoàn toàn có thể chủ động và có đủ thời gian để triển khai việc lắp hộp đen cho xe. Hơn nữa, trong khoảng thời gian này hầu hết các địa phương trên cả nước đã triển khai lắp đặt theo quy định; thậm chí có những doanh nghiệp đã tự lắp đặt từ những năm trước đây và một số địa phương đã hoàn thành việc lắp đặt hộp đen taxi rồi.
Nhưng cuối tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Taxi TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép lùi thời hạn lắp đặt, kiểm tra các nội dung liên quan đến hộp đen ô tô thêm 8 tháng nữa, tức dời đến đầu tháng 3/2016.
Lý do được Hiệp hội Taxi thành phố đưa ra là để nghiên cứu phần mềm có thể kết nối, đồng bộ các thiết bị đã có như đồng hồ tính tiền, thiết bị in hóa đơn… vào trên cùng một hộp đen. Vì thế lắp đặt ngay sẽ gây lãng phí? Ngay sau đó Bộ GTVT cũng đã có văn bản báo cáo Chính phủ. Bộ GTVT cho rằng các hãng taxi đã rất cố gắng lắp hộp đen lên xe theo lộ trình, nhưng do số lượng taxi quá lớn, lên tới 60 ngàn đầu xe nên tiến độ lắp đặt chưa bảo đảm.
Theo quan điểm của Bộ, việc một số doanh nghiệp taxi đang thí điểm cài đặt phần mềm quản lý taxi kết hợp với thiết bị in hóa đơn, kết nối khách hàng nhằm giảm tối đa chi phí là đáng xem xét.
Lâu nay mỗi lần thực hiện điều chỉnh cước taxi tăng, giảm theo giá xăng, các hãng taxi đều phải thực hiện theo quy trình thủ công: Phải bố trí nhân lực đi từng xe để tháo niêm chì ở đồng hồ tính cước và cập nhật giá cước mới. Sau đó, phải mang đồng hồ đi kiểm định, kẹp chì. Việc này vừa gây tốn kém khoản chi phí kiểm định đồng hồ, và còn gây thiệt hại đến doanh thu của hãng trong thời gian xe phải tạm ngưng hoạt động để chờ tháo lắp đồng hồ tính cước.
Đối với một hãng taxi có hàng ngàn đầu xe, số tiền lên tới vài tỉ đồng chứ không ít. Do đó, tuy không nói ra nhưng các hãng taxi đều rất ngán ngại mỗi lần phải thay đổi giá cước.
Để khắc phục hạn chế trên, ông Đào Thanh Anh cho rằng, chỉ cần Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ cho phép nạp phần mềm hoặc dữ liệu tính cước từ xa thông qua tích hợp vào hệ thống hộp đen hành trình là mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Làm vậy được cho là sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc giảm chi phí, đỡ chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp vận tải taxi.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng nhìn nhận rằng: Trên thực tế, đến thời điểm hiện nay đã có một số hãng lớn, có uy tín trên thị trường cung cấp hộp đen ô tô hội tụ đủ điều kiện về kỹ thuật để sẵn sàng tích hợp thêm phần mềm quản lý taxi cho các hãng cũng như kết nối đồng bộ với máy in và đồng hồ tính tiền trên xe.
Việc cập nhật thêm các tính năng cho phần mềm quản lý xe của các hãng taxi là không ảnh hưởng đến hoạt động của hộp đen. Càng lợi hơn khi thời hạn để tiếp tục triển khai lắp hộp đen ô tô bắt buộc với các loại khác như xe tải trên 10 tấn và xe từ 7-10 tấn rồi xe dưới 7 tấn… đã cận kề và cũng đang cần tích hợp thêm vào hộp đen các phần mềm quản lý chuyên biệt về kiểm soát tải trọng, quá khổ quá tải, giám sát hàng hóa chở phía sau hay gắn thêm camera giám sát hành trình…
Thị trường vẫn còn những loại hộp đen tù mù bị phát hiện
Khai thác hiệu quả dữ liệu từ hộp đen ô tô
Để có thể lưu trữ dữ liệu hành trình của xe trong khoảng thời gian 1 năm, hàng tháng các nhà cung cấp hộp đen đều thực hiện thu phí mỗi hộp đen ô tô ở mức trên dưới 100 ngàn đồng chi phí thuê máy chủ, thuê bao simcard và lập trình, quản trị duy trì hoạt động. Nhưng theo đại diện một đơn vị sản xuất hộp đen ô tô, đến nay vẫn còn hiện tượng nhiều chủ xe, doanh nghiệp vận tải không chịu nộp phí thuê bao do chỉ gắn hộp đen ô tô để đối phó.
Chỉ đến khi xe tới hạn đăng kiểm, bị lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT kiểm tra hoặc khi chủ xe tới Sở GTVT xin cấp phép, cấp phù hiệu vận tải họ mới cuống cuồng tìm nhà cung cấp hộp đen ô tô để đóng phí, mở lại thuê bao.
Ngoài chuyện mới chỉ có thể dùng dữ liệu vi phạm từ hộp đen ô tô để phạt nguội, tức xử phạt các hành vi vi phạm nguy hiểm, chạy quá tốc độ đã xảy ra, Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM còn bày tỏ băn khoăn khi chế tài xử phạt với những thông tin vi phạm về tốc độ, hành trình… được lưu trữ trong hộp đen mới chỉ dừng lại ở mức thu hồi phù hiệu hay giấy phép hoạt động vận tải với doanh nghiệp, chủ xe chứ chưa có chế tài xử phạt trực tiếp với lái xe vi phạm? Vì vậy, ông Việt đề xuất cần có chế tài cho phép thông qua hộp đen để phạt nguội với lái xe.
Để khai thác hiệu quả từ hộp đen nhằm giảm phiền toái cho hoạt động vận tải, ông Trần Ngọc Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra đề xuất: Khi xe ngưng hoạt động, doanh nghiệp hoặc chủ xe chỉ cần thông báo cho Sở GTVT và Trạm Đăng kiểm biết kèm theo cam kết về tính trung thực của thông báo này(?). Trạm Đăng kiểm căn cứ vào dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe để giám sát là đủ?
Vấn đề là làm sao duy trì, khai thác hiệu quả thiết bị giám sát hành trình cũng như dữ liệu mà cơ quan chức năng đưa ra xử phạt hành chính với doanh nghiệp vận tải, chủ xe phải khớp với dữ liệu lưu trữ của nhà cung cấp hộp đen? Bởi thời gian qua dữ liệu vi phạm in ra để xử phạt đơn vị vận tải cũng có sự chênh lệch về số lượng, tần suất, số liệu vi phạm giữa cơ quan chức năng với nhà cung cấp khiến một số doanh nghiệp vận tải lên tiếng phản ứng…
Ông Tạ Công Thuận chia sẻ, có hiện tượng này là do quan điểm tính toán vi phạm chưa thống nhất giữa hệ thống phần mềm. Chi hội cũng đã kiến nghị với Tổng cục Đường bộ cùng đối chiếu để phần mềm dữ liệu đưa ra của 2 bên khớp nhau. Và không chỉ hữu ích cho chính chủ xe, doanh nghiệp vận tải trong quản lý hoạt động kinh doanh, dữ liệu hộp đen ô tô còn dùng để quản lý xã hội, thậm chí là chứng cứ trong các vụ án tai nạn giao thông, tranh chấp dân sự. Do đó việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, lắp đặt và vận hành loại thiết bị này càng cần phải được siết lại hơn nữa.